CURSILLO VIETNAM AU CHAU

 

 

Kinh Truyền Tin
Các con được làm ra cho những niềm vui lớn trên trời

Suy ngẫm của Đức Giáo Hoàng (Bản dịch toàn văn)
AOÛT 15, 2019 18:09 HÉLÈNE GINABAT - ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS

Lễ Đức Mẹ Lên Trời nhắc cho chúng ta rằng trên trời, « có một người mẹ đang chờ đợi chúng ta » và « như mọi người mẹ », « muốn điều tốt lành nhất cho con cái mình ». Đó là những điều Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khẳng định hôm thứ năm, 15/8/2019, trong bài huấn đức trước Kinh Truyền Tin, trước các khách hành hương tụ tập trên Quảng Trường Thánh Phêrô.  
« Đức Mẹ Maria, ngài giảng tiếp, nói với chúng ta rằng ‘‘các con không được làm ra cho những điều thỏa thích nhỏ mọn của thế gian mà được làm ra cho những niềm vui lớn trên trời », và mẹ « chỉ cho chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn cuộc sống của chúng ta được hạnh phúc, chúng ta phải đặt Thiên Chúa vào vị trí đứng đầu, bởi vì chỉ có Người là cao cả ».
Và Đức Giáo Hoàng giải thích : « Chúng ta đang lữ hành ; là những khách hành hương đi về nhà chúng ta trên trời. Hôm nay, chúng ta ngước nhìn Đức Mẹ Maria và chúng ta nhìn thấy mục đích của chúng ta ».
Sau đây là bản dịch những lời được nói lên bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô để dẫn vào kinh kính Đức Mẹ.
HG
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin (Bản dịch toàn văn)
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Trong bài Phúc Âm hôm nay, ngày lễ kính Đức Trinh Nữ Maria lên trời, mẹ đã cầu nguyện rằng : « Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi » (Lc 1,46-47).  Chúng ta hãy nhìn vào những động từ của lời cầu nguyện này : ngợi khen và hớn hở. Hai động từ : « ngợi khen » và « hớn hở » . Người ta hớn hở khi xẩy ra điều gì quá tốt đẹp mà niềm vui nội tâm không đủ để diễn tả, mà người ta muốn biểu lộ niềm hạnh phúc của toàn thân mình : lúc đó người ta rối rít hớn hở. Đức Mẹ Maria hớn hở vì Thiên Chúa. Ai biết điều này cũng đã từng xẩy ra với chúng ta, rối rít hớn hở vì Chúa ? Chúng ta hớn hở vì một kết quả đạt được, vì một tin mừng, nhưng ngày hôm nay, Đức Mẹ Maria dạy cho chúng ta biết hớn hở trong Thiên Chúa. Tại sao ? Tại vì Người, Thiên Chúa, làm « những điều cao cả » (x. c.49).
Những điều cao cả được nhắc tới bởi động từ kia : ngợi khen. « Linh hồn tôi ngợi khen ». Ngợi khen. Quả vậy, ngợi khen có nghĩa là biểu dương một thực tế vì tính cao cả của nó, vì nét đẹp của nó... Đức Mẹ Maria ngợi khen sự cao cả của Chúa, mẹ ngợi khen Người khi tuyên xưng Người thực sự cao cả. Trong đời sống, quan trọng là đi tìm những điều trọng đại, nếu không, người ta sẽ lạc vào đàng sau những chuyện nhỏ mọn. Đức Mẹ Maria dạy cho chúng ta rằng, nếu chúng ta muốn rằng đời sống chúng ta được hạnh phúc, phải đặt Thiên Chúa và vị trí đứng đầu, bởi vì chí có Người là cao cả. Rất nhiều khi, trái lại, chúng ta sống chạy theo những chuyện không quan trọng : những định kiến, những oán hận, những ganh đua, những đố kỵ, những ảo tưởng, những của cải vật chất phù phiếm... Biết bao những điều ti tiện trong cuộc đời ! Chúng ta đều biết. Hôm nay Đức Mẹ Maria mời gọi chúng ta ngước mắt nhìn lên những « điều cao cả » mà Chúa đã làm nơi mẹ.  Nơi cả chúng ta nữa, trong mỗi người chúng ta, Chúa đã làm những điều cao cả. Cần phải nhận biết những điều đó để hớn hở và để ngợi khen Thiên Chúa vì những điều cao cả đó.
Đó là những « điều cao cả » mà chúng ta mừng lễ ngày hôm nay. Đức Mẹ Maria đã lên trời : nhỏ bé và khiêm nhường, mẹ nhận được vình quang đầu tiên, vinh quang cao trọng nhất. Mẹ, vốn chỉ là một con người thụ tạo, một người trong chúng ta, đã đạt tới sự sống vĩnh cửu trong linh hồn và trong thân xác của mẹ. Và mẹ đang chờ chúng ta ở đó, như một người mẹ chờ đợi con mình về nhà. Quả vậy, dân của Thiên Chúa khấn xin mẹ như là « cửa thiên đàng ». Chúng ta đang lữ hành, những khách hành hương về nhà chúng ta ở trên trời. Ngày hôm nay, chúng ta trông lên Đức Mẹ Maria và chúng ta thấy được mục đích. Chúng ta thấy một con người thụ tạo đã được chọn lấy trong vinh quang của Chúa Giêsu Kitô phục sinh, và con người thụ tạo này chỉ có thể là mẹ, Đức Mẹ Chúa Cứu Thế. Chúng ta thấy rằng trên nước thiên đàng, với Chúa Kitô, ông Ađam mới, cũng có Đức Mẹ Maria, bà Eva mới và điều này an ủi chúng ta và ban cho chúng ta hy vọng trong cuộc hành hương dưới thế này.
Lễ mừng Đức Mẹ Lên Trời là một sự nhắc nhở cho tất cả chúng ta, nhất là cho những ai đang bị sầu não bởi những nghi nan và những nỗi buồn và đang sống cúi mặt nhìn xuống đất, không có thể ngước mắt nhìn lên được. Chúng ta hãy ngước mắt nhìn lên cao, vòm trời mở ra ; nó không làm chúng ta lo sợ, nó không xa vời bởi vì, trên ngưỡng cửa của trời, có một bà mẹ đang chờ chúng ta, người đó là mẹ chúng ta. Mẹ yêu thương chúng ta, mẹ mìm cười với chúng ta và ân cần cứu giúp chúng ta. Như mọi người mẹ, mẹ muốn điều tốt lành nhất cho con cái mẹ và mẹ nói với chúng ta rằng : « Các con quý giá dưới mắt Thiên Chúa ; các con không được làm ra cho những cho những điều thỏa thích nhỏ mọn của thế gian, mà các con đã được làm ra cho những niềm vui to lớn trên trời ». Phải, bởi vì Thiên Chúa  là niềm vui, Người không phải là u sầu. Thiên Chúa là niềm vui. Chúng ta hãy để Đức Trinh Nữ Maria nắm lấy tay chúng ta. Mỗi lần chúng ta cầm cỗ tràng hạt trên tay và chúng ta cầu nguyện, chúng ta bước đi một bước tới mục đích to lớn của cuộc đời chúng ta.
Chúng ta hãy để mình được thu hút bởi cái đẹp thật sự, chúng ta đừng để mình bị nhận chìm bởi những điều ti tiện của cuộc đời, mà chúng ta hãy chọn lấy sự cao cả trên trời. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, là Cửa Thiên Đàng, phù hộ chúng ta mỗi ngày trông nhìn trong niềm tin cậy và trong niềm vui mừng về nơi có ngôi nhà đích thực của chúng ta, nơi đó có mẹ chờ đợi chúng ta như một người mẹ.
© Traduction de Zenit
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/angelus-faits-pour-les-grandes-joies-du-ciel/

Cùng nhau
« Yêu thương » và «Phục vụ » như Martha và Maria

« Với đôi bàn tay của Martha và tấm lòng của Maria » (Bản dịch đầy đủ)
JUILLET 21, 2019 12:58 ANITA BOURDIN - ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các tín hữu hãy kết hợp Maria và Martha trong đời sống thường nhật để « yêu thương » và phục vụ », không hề đối nghịch hai thái độ và vai trò của Martha và Maria.
Trước Kinh Truyền Tin ngày chúa nhật 21/7/2019, Đức Giáo Hoàng quả đã bình giảng, như thường lệ, bằng tiếng Ý, bài Tin Mừng ngày chúa nhật về tính hiếu khách của Martha và Maria thành Bêthania.
Sau cùng, Ngài đã cho thấy « ơn phúc phải cầu xin » : « Cầu xin Đức Mẹ Maria, Mẹ của Hội Thánh, ban cho chúng ta ơn biết yêu mến và phụng sự Thiên Chúa và những người anh em chúng ta với đôi bàn tay của Martha và trái tim của Maria, để trong khi luôn lắng nghe Chúa Kitô, chúng ta vẫn có thể là những thợ thủ công xây dựng hòa bình và hy vọng ».
Đức Giáo Hoàng sau đó đã công bố và lúc 13gờ30, trang tweet này trên cùng chủ đề trên trương mục của ngài @Pontifex_fr: « Bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta rằng sự khôn ngoan trong lòng nằm ở sự kết hợp suy niệm và hành động. Chúng ta hãy cầu xin ơn yêu mến và phụng sự Thiên Chúa cũng như các người anh em chúng ta với bàn tay của Martha và tấm lòng của Maria ».
Sau đây là bản dịch nhanh những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
AB
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Trong đoạn Tin Mừng chúa nhật này, thánh sử gia Luca kể lại cuộc viếng thăm nhà của Martha và Maria, hai người chị của ông Lazarô (x. Lc 10, 38-42). Họ tiếp đón Người và Maria ngồi dưới chân Chúa để nghe Người giảng dạy. Cô đã bỏ những gì cô đang làm để được ở gần với Chúa Giêsu : cô không muốn bỏ lỡ bất cứ lời nào của Người. Kể cả với chúng ta, cũng như với Maria, không thể có một công việc nào hay một bận tâm nào có thể làm cho chúng ta rời xa Thầy Chí Thánh. Tất cả phải được dẹp sang một bên bởi vì, khi Người đến viếng thăm trong cuộc đời chúng ta, sự hiện diện và lời của Người là trên hết. Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên : khi chúng ta thực sự lắng nghe Người, mây mù tan biến, ngờ vực nhường chỗ cho chân lý, lo sợ nhường chỗ cho thanh thản và những tình trạng khác biệt của cuộc đời tìm được vị trí chính đáng của chúng.
Trong cảnh này, bà Maria thành Bêtania ngồi dưới chân Chúa Giêsu ; thánh Luca cho thấy thái độ cầu nguyện của người tín hữu, biết mình ở trước mặt Thầy để lắng nghe Người và hòa đồng với Người. Chỉ cần ngưng nghỉ một lúc trong ngày, để tập trung trong thinh lặng, chỉ trong ít phút thôi, để dành chỗ cho Chúa ‘‘đi qua’’ và tìm lấy can đảm để ‘‘ở riêng’’ ra với Người, và rồi quay trở lại, với sự thanh thản và hữu hiệu, với công việc hàng ngày. Bằng cách khen ngợi thái độ của Maria, kẻ ‘‘đã chọn phần tốt nhất’’ (c.42), Chúa Giêsu dường như muốn nhắc lại với mỗi người chúng ta : ‘‘Các con đừng để bị lôi cuốn bởi những chuyện phải làm, mà trước hết, hãy lắng nghe tiếng Chúa để chu toàn những bổn phận mà cuộc đời dành cho các con’’.
Sau đó, có người chị là Martha. Thánh Luca nói rằng chính chị ta là người đã đón rước Chúa Giêsu (x. c.38). Có lẽ vì bà Martha là chị cả giữa hai chị em, chúng ta không biết, nhưng người phụ nữ này chắc chắn đã có ơn sủng hiếu khách. Thực tế, trong khi cô em Maria lắng nghe Chúa Giêsu, chị hoàn toàn bị bận bịu bởi nhiều công việc phục vụ. Bởi thế, Chúa Giêsu phán với bà : ‘‘Martha, Martha, Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá’’ (c.41). Với những lời này, Người chắc chắn không có ý lên án thái độ phục vụ, nhưng thay vào đó, Người trách cứ sự lo lắng đôi khi mình cảm thấy. Phần chúng ta, chúng ta cũng chia sẻ những lo âu của Thánh Martha và, noi gương bà, chúng ta đề nghị chăm sóc đến chuyện, trong các gia đình và cộng đoàn chúng ta, chúng ta sống ý nghĩa của sự đón nhận, của tình huynh đệ, để mọi người cảm thấy thoải mái như ‘‘ở nhà mình’’, đặc biệt là những người bé mọn, những người nghèo khó khi họ gõ cửa nhà chúng ta.
Bởi thế, Tin Mừng ngày hôm nay nhắc nhở chúng ta rằng đức khôn ngoan của tấm lòng chính là nằm trong khả năng kết hợp hai yếu tố : chiêm niệm và hành động. Martha và Maria chỉ cho chúng ta con đường đó. Nếu chúng ta muốn tận hưởng đời sống với niềm vui, chúng ta phải kết hợp hai thái độ đó : một mặt ‘‘ở dưới chân’’ Chúa Giêsu, để nghe lời Người khi Người mặc khải cho chúng ta những bí mật của mọi sự ; mặt khác, phải chú ý và nhậm lẹ trong sự hiếu khách, khi Người đi qua và gõ cửa chúng ta, với khuôn mặt của một người bạn đang cần một khoảnh khắc an ủi và tình huynh đệ. Chúng ta cần sự hiếu khách đó.
Cầu xin Rất Thánh Đức Mẹ Maria, Mẹ của Hội Thánh, ban cho chúng ta ơn phúc yêu mến và phục vụ Thiên Chúa và những người anh em với bàn tay của Martha và trái tim của Maria, để khi lắng nghe Chúa Kitô, chúng ta có thể là những người thợ thủ công xây dựng hòa bình và hy vọng.
(c) Traduction de Zenit, Anita Bourdin
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/angelus-aimer-et-servir-come-marthe-et-marie-ensemble-traduction-complete/

Như người Samari nhân hậu:
« Cảm thấy lòng trắc ẩn và lớn lên trong lòng trắc ẩn »

« Khả năng trắc ẩn đã trở thành hòn đá tảng của người Kitô hữu »
JUILLET 14, 2019 14:50 ANITA BOURDIN - ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS

 « Cảm thấy lòng trắc ẩn và lớn lên trong lòng trắc ẩn » : chính là ơn phúc mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi hãy cầu nguyện cho được, nhân dịp Kinh Truyền Tin ngày 14 tháng 7 năm 2019, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng đã bình giảng dụ ngôn người Samari nhân hậu bằng cách nhấn mạnh trên sự kiện là những kẻ ngoại thể hiện lòng trắc ẩn và làm điều tốt lành, ở nơi mà đôi khi những người có đức tin ngoảnh mặt đi.
Đức Giáo Hoàng chỉ rõ trong lòng trắc ẩn như là « chìa khóa » của đời sống theo thánh ý Thiên Chúa : « Có thể có lòng trắc ẩn, đó là chìa khóa. Đó là chìa khóa của chúng ta ».
Sau đây là bản dịch  nhanh những lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, kể cả những đoạn ứng khẩu từ tấm lòng của ngài.
AB
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Ngày hôm nay, bài Phúc Âm trình bầy dụ ngôn nổi tiếng « Người Samari Nhân Hậu » (x. Lc 25,37). Được chất vấn bởi một vị tiến sĩ luật về cần phải làm gì để có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, Chúa Giêsu đã mời gọi ông ta tìm câu trả lời trong Sách Thánh : « Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình » (c.27). Nhưng có những diễn giải khác nhau về vấn đề ai có thể được coi là « người thân cận ». Thực tế, người đó còn hỏi tiếp : « Nhưng ai là người thân cận của tôi ? » (c. 29). Lúc này, Chúa Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn, ngụ ngôn tuyệt đẹp : tôi mời gọi tất cả Quý Anh Chị Em hãy lấy bài Phúc Âm ngày hôm nay, Phúc Âm thánh Luca, chương 10, câu 25. Đây là một trong những dụ ngôn đẹp nhất trong Phúc Âm. Và dụ ngôn này đã trở thành một mô thức của đời sống Kitô giáo. Nó đã trở thành một tấm gương về điều mà người Kitô hữu phải hành động. Nhờ thánh sử gia Luca, chúng ta đã có kho báu này.
Người thủ vai chính của câu chuyện ngắn này là một người Samari, ông ta đã gặp trên đường một người bị cướp và bị bọn cướp đánh đập và đã săn sóc người đó. Chúng ta biết rằng người Do Thái đối xử với người Samari với sự khinh bỉ : họ coi những người này như những người nước ngoài đối với dân được chọn. Không phải là một sự ngẫu nhiên mà Chúa Giêsu đã chọn một người Samari làm người tích cực của dụ ngôn này. Người muốn như thế, vượt lên những định kiến, cho thấy ngay cả một người nước ngoài, ngay cả người đó không biết đến Thiên Chúa đích thực và không thường hay lui tới Đền Thánh, cũng có khả năng hành xử theo thánh ý của Người, khi có lòng trắc ẩn đối với người anh em của mình đang trong lúc cần được giúp đỡ và cứu giúp người anh em này với mọi phương tiện người đó sẵn có.
Cũng trên con đường này, trước người Samari, một vị tư tế và một thầy Lêvi cũng đã đi ngang qua, nghĩa là những người tự hiến cho việc thờ phụng Thiên Chúa. Nhưng, khi nhìn thấy con người tội nghiệp dưới đất, các ông đã bỏ đi, không dừng chân lại, có thể để không bị lây nhiễm bởi máu me người đó. Các ông đã đặt một quy định mang tính con người – không để bị lây nhiễm bởi máu - gắn liền với sự thờ phụng trước điều răn lớn của Thiên Chúa, Đấng muốn trước hết là lòng thương xót.
Như thế, Chúa Giêsu đề nghị như kiểu mẫu, người Samari, vốn chỉ là người không có đức tin ! Chúng ta cũng thế, chúng ta nghĩ tới bao người mà chúng ta biết, có lẽ họ là những người không hề hay biết đức tin, mà họ làm điều tốt lành. Chúa Giêsu đã chọn như gương mẫu một người không phải là người có đức tin. Và con người này, khi yêu mến người anh em mình, cho thấy người đó yêu mến Thiên Chúa với hết lòng mình và với hết sức mình - Thiên Chúa mà người đó chưa từng biết đến ! – và người đó bầy tỏ cùng lúc tính tôn giáo đích thực và tính nhân bản tràn đầy.
Sau khi kể dụ ngôn đẹp này, Chúa Giêsu hỏi lại với vị tiến sĩ luật, kẻ vừa hỏi Người « Ai là người thân cận của tôi ? » Và Người nói với ông ta : « Trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp ? » (c. 36). Bằng cách này, Người đã làm một sự đảo ngược đối với câu hỏi của người đối thoại, cũng như đối với cái lôgíc của tất cả chúng ta. Người làm cho chúng ta hiểu rằng, không phải chúng ta, theo những tiêu chí của chúng ta, là những người xác định ai là người thân cận, ai không là người thân cận của chúng ta, nhưng chính là con người đang trong sự cần giúp mới là người có khả năng nhận ra ai là người thân cận của mình, nghĩa là « người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy » (c.37).
Có khả năng thực thi lòng trắc ẩn, đó là chìa khóa. Đó là chìa khóa của chúng ta. Nếu, trước một con người đang cần giúp đỡ, bạn không cảm thấy lòng trắc ẩn, nếu tấm lòng bạn không xúc động, điều đó có nghĩa là có cái gì bất ổn. Bạn hãy cẩn thận, chúng ta hãy cẩn thận. Chúng ta đừng để bị lôi cuốn bởi tính vô cảm ích kỷ. Khả năng có lòng trắc ẩn đã trở thành hòn đá tảng của mọi Kitô hữu, hay đúng hơn, của giáo huấn của Chúa Giêsu : Chính Chúa Giêsu là lòng trắc ẩn của Đức Chúa Cha đối với chúng ta. Nếu bạn ra ngoài phố và thấy một người vô gia cư nằm dưới đất và bạn đi qua không thèm nhìn hắn, và bạn nghĩ « Lại rượu đây. Lại là một gã say rượu », bạn đừng tự hỏi xem người đó có say hay không, mà bạn hãy hỏi xem lòng mình có chai đá hay không, lòng mình đã thành giá lạnh như cây nước đá hay không.
Kết luận này cho thấy rằng lòng thương xót đối với một sự sống của con người đang có nhu cầu được cứu giúp là khuôn mặt của tình yêu. Chính như thế mà người ta trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu và người ta thể hiện dung nhan của Chúa Cha : « Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ » (Lc 6,36). Và Thiên Chúa, Cha chúng ta, là Đấng nhân từ, bởi vì ngài có lòng trắc ẩn ; Người có khả năng có lòng trắc ẩn đó, khả năng làm mình trở thành gần gũi với nỗi đau của chúng ta, với tội lỗi của chúng ta, với những tính xấu của chúng ta, với những khốn khổ của chúng ta.
Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria phù giúp chúng ta hiểu được và nhất là luôn sống nhiều hơn nữa liên hệ bền chặt đang có giữa tình yêu đối với Thiên Chúa là Cha chúng ta và tình yêu cụ thể và rộng lượng đối với các anh em chúng ta, và cầu xin Mẹ ban cho chúng ta ơn có lòng trắc ẩn và lớn trên trong lòng trắc ẩn.
(c) Traduction de Zenit, Anita Bourdin
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/angelus-eprouver-de-la-compassion-et-grandir-dans-la-compassion-traduction-complete/

 

 

Bí mật tòa giải tội là « Bất Khả Xâm Phạm »
Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc nhở

Thông Tri về ấn tín bí tích, tòa trong, bí mật nghề nghiệp
JUILLET 01, 2019 12:00 ANNE KURIAN - ROME

Bí mật xưng tội là « bất khả xâm phạm », một bản thông tri của Tòa Ân Giải Tối Cao được Đức Giáo Hoàng chấp thuận và được công bố ngày 01/7/2019 này nhắc nhở, trong lúc mà cuộc khủng hoảng các vụ lạm dụng tình dục mới đây đã đặt lại vấn đề của sự bí mật này.
Ở một thời kỳ « phì đại truyền thông », Tòa Ân Giải lo ngại một thứ ‘‘định kiến tiêu cực’’ đáng bận tâm đối với Gíáo Hội công giáo, mà sự hiện hữu được biểu lộ về mặt văn hóa, và được hiểu lại trên mặt xã hội, một mặt, dưới ánh sáng của những căng thẳng có thể được kiểm chứng ở trong nội bộ hệ thống thứ bậc của Gíáo Hội, và mặt khác, xuất phát từ những vụ bê bối lạm dụng gần đây, được gây ra một cách xấu xa bởi một số các thành viên của hàng giáo sĩ ».  
Dư luận quần chúng trở thành như một « tòa án », nơi đó những thông tin « riêng tư và bí mật nhất » được công bố ra công chúng, dẫn tới « những phán xét vô tâm », tới việc làm tổn hại « một cách vô phương cứu chữa tiếng tăm của người khác cũng như cái quyền của mọi con người được bảo vệ sự riêng tư của mình ». Ngoài ra, người ta còn đi đến việc đòi hỏi Gíáo Hội phải phù hợp hóa hệ thống tư pháp của mình theo hệ thống dân sự của Nhà Nước nơi Gíáo Hội cư ngụ, như « sự bảo đảm duy nhất » của công lý.
Đứng trước biên bản ghi nhận này, Đức Hồng Ymauro Piacenza, Chánh Án Tòa Ân Giải, và Đức Cha Krzysztof Nykiel, nhiếp chính của Tòa Ân Giải, mong muốn làm rõ một số những quan niệm « có vẻ trở nên xa lạ hơn » : ấn tín bí tích, tính chất mật cố hữu với tòa trong ngoài bí tích, sự bí mật nghề nghiệp, các tiêu chuẩn của mọi truyền thông.
Bí mật của xưng tội, « bất khả xâm phạm »
Sự bí mật bất khả xâm phạm của xưng tội « không chấp nhận bất cứ ngoại lệ nào trong lãnh vực Gíáo Hội và lại càng không trong lãnh vực dân sự », đến độ mà các cha giải tội được kêu gọi phải bảo vệ nó bất kể nguy hại đến tính mạng của mình (usque ad sanguinis effusionnem), vì sự trung thành với người sám hối và để làm chứng cho sự Cứu Độ : quả vậy, các linh mục hành động « trong con người của Đức Kitô » và mỗi lần mà bí tích được ban ra, sự cứu độ cá nhân của Đức Kitô cho mỗi người được thực hiện.
Văn bản viết tiếp, vị linh mục biết được tội lỗi « non ut homo, sed ut Deus – không như con người, mà như Thiên Chúa », và « ngài ‘‘không biết’’ những gì người ta nói với ngài » trong xưng tội « bởi vì ngài không nghe người đó với tư cách là một con người mà nhân danh Thiên Chúa ». Như thế, ngài có thể « kể cả ‘‘thề nguyền’’, mà không có tổn hại gì đến lương tâm của ngài, là ‘‘không biết’’ điều ngài chỉ biết với tư cách là người thừa hành của Thiên Chúa ». Ngoài ra văn bản củng cấm ngài không được « cố ý nhớ » nội dung xưng tội và nhắc đến nó với xám hối nhân bên ngoài bí tích. Người xám hối cũng không có quyền gỡ bỏ cho cha giải tội bổn phận giữ bí mật đó.
Vị linh mục giải tội không bao giờ được phép « phản bội xám hối nhân bằng lời nói hay bất cứ cách nào khác », Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo nói rõ (can. 983,§1), nhắc nhở rằng ấn tín bí tích bao trùm « tất cả những gì hối nhân đã thú nhận, kể cả trong trường hợp mà cha giải tội không ban phép tha tội ». Nếu tội lỗi xưng ra là những tội ác, « không bao giờ được phép bắt buộc hối nhân, như điều kiện để được tha tội, phải đi đầu thú tố tụng ». Điều kiện này, thực tế đã thuộc về cấu trúc của bí tích, vốn đòi hỏi « một sự thống hối thành khẩn » với lòng quyết tâm không tái phạm nữa.
« Mọi hành động mang tính chính trị hay mọi sáng kiến tư pháp nhắm ‘‘bẻ gẫy’’ tính  bất khả xâm phạm của ấn tín bí tích cấu thành một sự xúc phạm không thể chấp nhận được đối với quyền tự do của Hội Thánh, vốn không chấp nhận tính cách hợp pháp hóa của các quốc gia mà chỉ của Thiên Chúa ; hành động này còng cấu thành một sự vi phạm quyền tự do tôn giáo », Tòa Ân Giải cảnh báo : « xâm phạm bí mật tương đương với xâm phạm kẻ nghèo trong con người tội lỗi ».
Tòa trong, linh hướng, bí mật nghề nghiệp
Văn bản cũng dừng lại trên vấn đề ‘‘tòa trong ngoài bí tích’’, bên ngoài tòa hòa giải, nhất là liên quan đến vấn đề trong việc « linh hướng » trong đó « người tín hữu gửi gấm con đường hối cải hay thánh hóa của mình cho một linh mục, một người tận hiến hay một giáo dân », thổ lộ « một cách tự nguyện bí mật của lương tâm mình », để được « hướng dẫn và nâng đỡ ». Lãnh vực đặc biệt này đòi hỏi « một sự bảo mật nào đó » xuất phát từ « quyền của mỗi con người được hưởng sự tôn trọng những riêng tư thầm kín của mình ».
Những bí mật nghề nghiệp khác « phải được giữ gìn, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt trong đó việc giữ bí mật có thể gây ra cho người đã đưa ra các bí mật đó, cho người đã nhận được chúng hay cho một đệ tam nhân những thiệt hại to lớn và chỉ có thể tránh được bởi sự phổ biến sự thật » (CEC 2491).
Trong các điều bí mật, Tòa Ân Giải nhắc đến « bí mật giáo hoàng », liên quan đến những nhân vật giữ một số các vị trí phục vụ Tòa Thánh, cho « lợi ích công cộng của Hội Thánh và sự cứu độ các linh hồn ».
Về phần truyền thông, Hội Thánh có tiêu chuẩn căn bản là quan niệm « tình yêu huynh đệ », luôn để mắt tới « lợi ích và sự an toàn của tha nhân, sự tôn trọng đời sống riêng tư và công ích ». Hội Thánh cũng thực hành ‘‘sự điều chỉnh huynh đệ’’ : « Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh » (Mt 18, 15-17).
Trong một thời đại truyền thông đại chúng, Tòa Ân Giải kết luận, « cần thiết là phải học lại sức mạnh của lời nói, quyền lực xây dựng của nó, nhưng cũng tiềm năng phá hoại của nó ; chúng ta phải canh chừng để ấn tín bí tích không bị xâm phạm bởi bất cứ ai và để sự bảo mật cần thiết gắn liền với sự thực thi sứ vụ Hội Thánh luôn được bảo vệ một cách cẩn thận, với mục tiêu duy nhất là sự thật và toàn bộ lợi ích của các con người ».


Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/le-secret-de-la-confession-est-inviolable-rappelle-la-penitencerie-apostolique/

 

Kinh Truyền Tin: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô
Một tiếng « Amen » đến từ trái tim

Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô trước Kinh Truyền Tin (bài dịch đầy đủ)
JUIN 23, 2019 14:39 ANITA BOURDIN - ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS

« Phép Thánh Thể chuẩn bị cho chúng ta một chỗ trong cõi vĩnh hằng, bởi vì đó là Bánh từ Trời », Đức Giáo Hoàng Phanxicô  đã viết rong một trang tweet được đăng trên trương mục của người @Pontifex_fr, hôm chúa nhật 23/6/2019, nhân ngày Lễ Trọng Kính Phép Thánh Thể, như đã ghi trên chữ #CorpusDomini.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau đó đã chủ sự Kinh Truyền Tin buổi trưa, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, và người đã căn dặn đừng « quen » hiệp thông với Chúa Giêsu hiện diện trong Minh Thánh, mà mỗi lần chịu lễ phải như là « Chiụ Lễ Lần Đầu »
Ngài đã mời gọi sự biết ơn vì ơn ban Thánh Thể : « Chúng ta hãy đón nhận với lòng biết ơn, đừng với cách tiêu cực và theo thói quen. Chúng ta không được có « thói quen với Thánh Thể », bởi vì « chính là Chúa Giêsu, chính là Chúa Giêsu, đấng đã cứu độ tôi, chính Chúa Giêsu đã đến ban cho tôi sức mạnh để sống. Chính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu hằng sống ».
Bình giảng về đoạn Phúc Âm nói về nhân bánh thành nhiều, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu ghi nhận rằng « Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người hãy làm một cuộc hoán cải của cái lôgíc « phận ai nấy lo » thành cái lôgíc của sự chia sẻ ».
Đức Giáo Hoàng đã thêm rằng phép lạ đó « thể hiện quyền phép của Đấng Mêsia và, đồng thời, lòng trắc ẩn của Người : Chúa Giêsu đã có lòng trắc ẩn với người ta ».
Vào lúc 18 giờ, Đức Giáo Hoàng có hẹn với một giáo xứ trong giáo phận của ngài trong khu phố Casal Bertone : ngài sẽ chủ sự Thánh Lễ Chúa Ba ngôi và cuộc rước kiệu Thánh Thể trên đường phố trong vùng ngoại ô này của Rôma.
Sau đây là bản dịch nhanh bài giảng của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Truyền Tin.
AB
Lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Ngày hôm nay, tại Ý và nhiều nước khác, người ta cử hành lễ kính Mình và Máu Đức Kitô, Corpus Domini. Phúc Âm trình bầy đoạn phép lạ nhân bánh thành nhiều (x. Lc 9,11-17) đã diễn ra trên bờ hồ Galilêa. Chúa Giêsu sắp nói với nhiều ngàn người và làm phép lạ chữa lành. Chiều xuống, các môn đệ lại gần Chúa và thưa với Người rằng : « Xin Thầy cho đám đông về để họ vào các làng mạc, nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn » (c.12). Kể cả các môn đệ cũng đã mệt mỏi. Quả vậy, các ông đã ở một nơi hẻo lánh và để đi mua thức ăn cho người ta phải đi tới các làng mạc. Và Chúa Giêsu nhìn thấy chuyện đó và Người trả lời : « Chính anh em sẽ cho họ ăn » (c.13). Những lời này gây một sự ngạc nhiên nơi các môn đệ. Các ông không hiểu, có lẽ các ông cũng đã nỗi giận và các ông trả lời : « Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này » (ibid.).
Thay vì điều đó, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ Người làm một cuộc hoán cải từ cái lôgíc « chuyện ai nấy lo » thành cái lôgíc của sự chia sẻ, từ một chút ít mà Quan Phòng ban xuống cho sự sử dụng của chúng ta. Và Người cho biết ngay rằng Người biết điều Người muốn làm. Người phán với các ông : « Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một » (c.14). Rồi Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá trên tay, Người hướng lên Cha trên trời và Người đọc kinh chúc tụng. Rồi người bắt đầu bẻ bánh, chia cá và trao cho các môn đệ, để các ông phân phát cho đám đông. Và thức ăn này vẫn chưa hết cho tới lúc mọi người đã no nê.
Phép lạ này - rất quan trọng,  đến độ nó đã được kể lại bởi tất cả bốn vị thánh sử gia - biểu lộ quyền phép của Đấng Mêsia và, đồng thời, lòng trắc ẩn của Người : Chúa Giêsu động lòng trắc ẩn với dân chúng. Cử chỉ kỳ diệu không chỉ là một trong những dấu chỉ lớn lao của cuộc đời công cộng của Chúa Giêsu, mà báo trước những gì sẽ xẩy ra, sau cùng, ký ức của sự hy sinh của Người, nghĩa là Thánh Thể, Phép Bí tích Mình và Máu của Người ban xuống cho sự cứu độ thế gian.
Thánh Thể là sự tổng hợp toàn bộ cuộc đời Chúa Giêsu, vốn đã là một hành động duy nhất của tình yêu Chúa Cha và các anh em Người. Đó cũng vậy, như trong phép lạ nhân bánh thành nhiều, Chúa Giêsu đã cầm lấy bánh trong tay, dâng lên lời cầu nguyện chúc tụng của Người lên Chúa Cha, bẻ bánh và trao cho các môn đệ ; và Người đã làm như thế với chén rượu. Nhưng vào lúc đó, hôm trước cuộc thương khó, Người đã muốn để lại trong cử chỉ này Giao Ước mới và vĩnh cửu, ký ức đời đời của sự Vượt Qua sự chết và sự phục sinh của Người.
Mỗi năm, lễ Mình Chúa (Corpus Domini) mời gọi chúng ta hãy ôn lại sự kinh ngạc thán phúc và niềm vui vì ơn lành kỳ diệu của Chúa là Thánh Thể. Chúng ta hãy đón nhận ơn này với lòng cảm tạ, không phải bằng cách tiêu cực mang tính thói quen. Chúng ta không được có thói quen với Thánh Thể cũng như là đi chịu lễ theo thói quen : không ! Mỗi lần chúng ta tiến đến gần bàn thánh để nhận Thánh Thể, chúng ta phải thực tâm nhắc lại lời « AMEN » với Mình Thánh Chúa Kitô. Khi vị linh mục nói với chúng ta « Mình Thánh Chúa Kitô », chúng ta đáp « AMEN » : nhưng phải là một lời đáp « AMEN » đến từ con tim, mang tính được thuyết phục. Chính Chúa Giêsu, chính Chúa Giêsu đã cứu độ tôi, chính Chúa Giêsu đã đến ban cho tôi sức mạnh và sự sống. Chính Chúa Giêsu, Chúa Giêsu hằng sống. Nhưng chúng ta không được có thói quen : mỗi lần, phải như đó là sự chịu lễ lần đầu.
Một sự biểu hiện đức tin vào Thánh thể của dân thánh của Thiên Chúa là những cuộc rước kiệu Thánh Thể được diễn ra khắp nơi trong Hội Thánh công giáo nhân ngày lễ trọng này. Chiều nay, trong khu phố Casal Bertone tại Rôma, tôi cũng sẽ cử hành Thánh Lễ, sau đó có một cuộc rước kiệu. Tôi mời gọi mọi người tham dự, kể cả bằng cách thiêng liêng, qua radio và truyền hình. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria phù trợ chúng ta để đi theo, với đức tin và tình yêu, Chúa Giêsu mà chúng ta thờ lậy trong Phép Thánh Thể.
© Traduction de Zenit, Anita Bourdin
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/angelus-du-saint-sacrement-un-amen-qui-vienne-du-coeur-traduction-complete/

 

Bài Giáo Lý : Chúa Thánh Thần
« Vị Nhạc Trưởng » các công trình lớn của Thiên Chúa

Người nhân tính hóa và ‘‘kết tình thân’’ hết mọi bối cảnh (Bản dịch toàn văn)
JUIN 19, 2019 18:06 HÉLÈNE GINABAT - AUDIENCE GÉNÉRALE, PAPE FRANÇOIS

Chúa Thánh Thần là « Vị Nhạc Trưởng » đã cho tấu lên những bản nhạc ngợi khen những ‘‘công trình lớn’’ của Thiên Chúa », Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định. Ngài nói tiếp, Chúa Thánh Thần « là vị thợ xây đắp hiệp thông, Người là nghệ sĩ của hòa giải và biết lấy đi những rào cản giữa người Do Thái và người Hy Lạp, giữa những kẻ nô lệ và những người tự do, để khiến họ trở thành một thân xác. Người xây lên cộng đoàn các tín hữu bằng cách điều hòa sự hợp nhất của thân thể và sự đa dạng của tứ chi. Người làm cho Hội Thánh lớn lên bằng cách giúp đỡ Hội Thánh vượt xa hơn những giới hạn của con người, xa hơn tội lỗi và bất cứ điều tai tiếng gì ».
Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục chuỗi Bài Giáo Lý về Tông Đồ Công Vụ nhân buổi triều kiến chung hàng tuần. Ngài đã tập trung về các bài của Lễ ngũ Tuần, hôm thứ tư 19/6/2019, trên Quảng Trường Thánh Phêrô chan hòa ánh nắng, trước hàng ngàn du khách và khách hành hương đến từ khắp nước Ý và trên toàn cầu.
Chúa Thánh Thần đã « đột nhập », một sự đột nhập « không chấp nhận những gì đóng kín » và « mở tung các cửa ra ». Chỉ có Người « mới có quyền năng nhân tính hóa và ‘‘kết thân tình anh em’’ hết mọi bối cảnh, từ những người đón nhận Người », Đức Giáo Hoàng giải thích trước khi kết luận : « Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được trải nghiệm một Lễ Ngũ Tuần mới, làm nở rộng trái tim chúng ta và ban cho những tình cảm của chúng ta được so dây theo những tình cảm của Đức Kitô, để cho chúng ta có thể loan báo một cách không hổ thẹn Lời làm thay đổi của Người và để chúng ta làm chứng cho sức mạng của tình yêu kêu gọi tất cả những ai Người gặp gỡ đến với sự sống».
Sau đây là bản dịch toàn văn Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý
HG
Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (Bản dịch toàn văn)
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua, trong cũng nhà Tiệc Ly này, vốn từ nay trở thành cư xá của các ngài và nơi đó có sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ của Chúa, là một yếu tố liên kết, các tông đồ đã sống một biến cố vượt xa những mong đợi của các ngài. Hợp nhất trong cầu nguyện - cầu nguyện là « lá phổi » đem lại hơi thở cho các môn đệ của mọi thời đại ; không có cầu nguyện, người ta không thể là môn đệ của Chúa Giêsu ; không có cầu nguyện, chúng ta không thể là Kitô hữu ! Đó là không khí, đó là lá phổi của đời sống Kitô giáo -, các ngài đã ngạc nhiên vì sự đột nhập của Thiên Chúa. Đó quả là một sự đột nhập vốn không chịu đựng được cái gì đóng kín : nó mở tung các cánh cửa bằng sức mạnh của một cơn gió nhắc lại cơn gió ‘ruah’ của người Do thái, hơi thở đầu tiên, và hoàn tất lời hứa với « sức mạnh » làm ra bởi Đấng Phục Sinh trước khi Người ra đi (x. Cv 1,8). Nó xẩy tới một cách bất ngờ, từ trên cao, « phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ tập » (Cv 2,2).
Cùng với gió, sau lại thêm lửa, nhắc lại bụi gai cháy bừng và núi Sinai với sự ban Thập Điều (x. Xh 19, 16-19). Trong truyền thống Thánh Kinh, lửa đi kèm theo sự biểu hiện của Thiên Chúa. Trong lửa, Thiên Chúa ban xuống Lời Hằng Sống của Người và năng lực (x. Dt 4,12), mở ra tương lai ; lửa biểu lộ một cách tượng trưng công trình của Người là sưởi nóng, soi sáng và thăm dò tâm hồn, sự chăm sóc của Người để trắc nghiệm sự bền vững của các công trình con người, để thanh tẩy chúng và để làm cho chúng thêm sức sống. Trong lúc mà trên núi Sinai, người ta nghe được tiếng Thiên Chúa, thì tại Giêrusalem, nhân ngày lễ Ngũ Tuần, chính là tiếng nói của ông Phêrô, tảng đá trên đó Đức Kitô đã chọn để xây Hội Thánh của Người. Lời ngài, yếu đuối và kể cả đã từng chối Chúa, được xuyên qua bởi ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, đã có được một sức mạnh, trở thành có khả năng đâm thủng con tim và thúc đẩy sự trở lại. Quả vậy, Thiên Chúa đã chọn cái yếu đuối trên thế gian để hạ nhục những kẻ hùng mạnh (1Cr 1,27).
Bởi thế, Hội Thánh sinh ra từ lửa tình yêu và từ một « cơn hỏa họan » đã nổ ra trong ngày lễ Ngũ Tuần và đã biểu hiện sức mạnh lời nói của Đấng Phục Sinh tràn đầy Thánh Thần. Giao ước mới và vĩnh cửu được xây lên, không phải trên một lề luật được khắc trên bia bằng đá, mà trên tác động của Thần Khí của Thiên Chúa đã làm nên mọi vật mới mẻ và được khắc ghi trên trái tim bằng thịt.
Lời của các tông đồ thấm nhuần Thần Khí của Đấng Phục Sinh và trở thành một lời mới, khác trước, nhưng mà người ta có thể hiểu được, như thể nó được phiên dịch đồng thời ra tất cả mọi ngôn ngữ : quả thế, « ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình » (Cv 2,6). Đây là ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu, vốn là ngôn ngữ hoàn vũ : kể cả những người mù chữ cũng có thể hiểu được. Ngôn ngữ của sự thật và của tình yêu, mọi người đều hiểu được. Nếu bạn đi với sự thật trong lòng, với sự thật thà, và nếu bạn đi với tình yêu, mọi người đều sẽ hiểu bạn. Kể cả khi bạn không thể nói, nhưng với một cử chỉ vuốt ve thành thật và đầy yêu thương, người ta cũng sẽ hiểu.
Chúa Thánh Thần không chỉ biểu hiện qua một khúc giao hưởng âm thanh, Người còn phối hợp, và dàn xếp hài hoà những dị biệt mà còn tỏ ra như là một nhạc trưởng đã cho tấu lên những bản nhạc ngợi khen những « công trình lớn » của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thợ thủ công xây hiệp thông, Người là nghệ sĩ của hòa giải và biết gỡ bỏ những rào cản giữa người Do Thái và người Hy Lạp, giữa kẻ nô lệ và người tự do, để khiến họ trở nên cùng một thân xác. Người dựng lên cộng đoàn các tín hữu và điều hòa sự thống nhất của thân xác và sự đa dạng của tứ chi. Người làm cho Hội Thánh lớn lên bằng cách giúp đỡ Hội Thánh vượt lên khỏi những giới hạn của con người, những giới hạn của tội lỗi và của bất cứ điều tai tiếng gì.
Sự ngạc nhiên thật là rất lớn và nhiều người tự hỏi, không biết những người đó có sau rượu không. Lúc đó, ông Phêrô đã can thiệp nhân danh tất cả các tông đồ và đọc lại biến cố dưới ánh sáng của sách ngôn sứ Gioen 3, trong đó đã báo trước một sự tràn ngập Thánh Thần mới. Các môn đệ của Chúa Giêsu không say rượu, mà các ông sống như thánh Ambrôsiô xác định như là « sự say sưa thanh cảnh của Thánh Thần », thể hiện giữa dân của Thiên Chúa lời tiên tri qua những mộng mị và thị kiến. Ơn tiên tri này không chỉ dành riêng cho một số người, mà cho tất cả những người kêu cầu thánh danh của Chúa.
Kể từ nay, kể tư cái lúc đó, Thần Khí của Thiên Chúa thúc đẩy lòng người đón nhận sự cứu độ đi qua một Đấng, Chúa Giêsu Kitô, Đấng mà con người đã đóng đinh vào thanh gỗ của cây thập giá và Thiên Chúa đã cho sống lại từ kẻ chét « giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết » (Cv 2,24). Chính Người đã đổ tràn Thần Khí này là Đấng phối hợp giàn nhạc đa âm điệu ngợi khen và mọi người đều có thể nghe được. Như ĐGH Biển Đức XVI đã nói « Lễ Ngũ Tuần là như thế này : Chúa Giêsu và, qua Người, chính Thiên Chúa, đến với chúng ta và thu hút chúng ta vào trong Người » (Bài giảng, 3/6/2006). Chúa Thánh Thần  tiến hành sự thu hút chí thánh : Thiên Chúa lôi cuốn chúng ta bởi tình yêu của Người và như thế, Người kéo chúng ta theo, để làm cho lịch sử đi tới và tung ra những tiến trình qua đó sự sống mới xuất hiện. Quả thật, chỉ có Thần Khí của Thiên Chúa mới có quyền phép nhân tính hóa và ‘kết tình anh em’ tất cả mọi bối cảnh, từ những người đón nhận Người.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được trải nghiệm một lễ Ngũ Tuần mới, làm nở rộng trái tim chúng ta và so dây tình cảm của chúng ta với tình cảm của Đức Kitô, để cho chúng ta loan báo không chút hổ thẹn lời của Người vốn có thể làm thay đổi và chúng ta làm chứng cho sức mạnh của tình yêu kêu gọi tất cả những ai Người gặp gỡ đến với sự sống.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/catechese-lesprit-saint-chef-dorchestre-des-grandes-oeuvres-de-dieu-traduction-integrale/

 

Nữ Vương Thiên Đàng
Quên đi những chiến lược và hãy lắng nghe Chúa Thánh Thần

Lời Đức Giáo Hoàng trước Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng (Bản dịch toàn văn)
MAI 26, 2019 14:10 ANNE KURIAN - ANGÉLUS ET REGINA CAELI, PAPE FRANÇOIS

 « Hội Thánh không thể ở diện tĩnh tại », Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích trong giờ Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng ngày 26/5/2019. Ngài đã mời gọi hãy « gỡ bỏ những sợi dây thế tục được tượng trưng bởi những tư tưởng, những sách lược, những mục tiêu của chúng ta, vốn thường làm cho hành trình đức tin càng thêm nặng nề », và hãy « lắng nghe Lời Chúa một cách ngoan hiền ».
Đây quả là sứ vụ của Chúa Thánh Thần « là làm cho hiểu được một cách viên mãn và thúc đẩy hãy cụ thể thực hiện những giáo huấn của Chúa Giêsu ». Và đây cũng là « sứ vụ của Hội Thánh », ngài nói với các khách hành hương tụ tập trong giờ kinh kính Đức Mẹ dưới trời mưa, trên Quảng Trường Thánh Phêrô.
Sau đây là bản dịch lời suy niệm của Đức Giáo Hoàng.
Lời của Đức Giáo Hoàng trước Kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng.
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Bài Phúc Âm ngày chúa nhật thứ VI Mùa Phục Sinh giới thiệu cho chúng ta một trích đoạn của bài diễn văn mà Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly (x. Ga 14, 23-29). Người phán về công trình của Chúa Thánh Thần và người ban một lời hứa : «  Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em" (v.26). Trong lúc thời gian thập giá đã tới gần, Chúa Giêsu bảo đảm với các Tông Đồ rằng các ông sẽ không cô đơn : sẽ luôn có Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, sẽ nâng đỡ các ông trong sứ vụ đem Tin Mừng đến cho toàn thế giới. Trong ngôn ngữ Hy Lạp nguyên thủy, từ ngữ ‘‘Đấng Bảo Trợ’’ có nghĩa là Đấng đứng bên cạnh để nâng đỡ và an ủi.
Sứ vụ của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa như quà tặng là thế nào ? Chính Người đã nói rõ : « Người sẽ dạy anh em mọi điều, và Người sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em ». Trong cuộc đời dưới thế của Người, Chúa Giêsu đã truyền dạy tất cả những gì Người muốn ký thác cho các Tông Đồ : Người đã chu toàn sự Mặc Khải Thiên Chúa, nghĩa là tất cả những gì Chúa Cha muốn nói với nhân loại với sự nhập thể của Chúa Con. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần là nhắc lại, nghĩa là làm cho hiểu được một cách viên mãn và thúc đẩy hãy cụ thể thực hiện những giáo huấn của Chúa Giêsu. Và đây cũng chính là sứ vụ của Hội Thánh, vốn thực thi sứ vụ đó qua một lối sống cao quý, được đặc trưng bởi một số những đòi hỏi : đức tin nơi Chúa và tuân giữ Lời Người ; sự ngoan hiền đối với tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Đức Kitô Phục Sinh hằng sống và hiện diện ; sự đón nhận bình an của Người và sự làm chứng cho Người như một thái độ cởi mở và gặp gỡ với người khác.
Để thực hiện tất cả những điều này, Hội Thánh không thể ở trong vị thế tĩnh tại. Vấn đề là phải cởi bỏ những sợi dây thế tục được tượng trưng bởi những tư tưởng, những sách lược, những mục tiêu của chúng ta, chúng thường làm cho hành trình đức tin thêm nặng nề, và phải lắng nghe Lời Chúa một cách ngoan hiền. Như thế, chính là Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ dẫn dắt chúng ta và dẫn dắt Hội Thánh, để cho dung nhan đích thực của Hội Thánh được chói lọi, tươi đẹp và sáng lạn, như Đức Kitô mong muốn.
Ngày hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy mở rộng tấm lòng đón nhận ân điển của Chúa Thánh Thần, để Người dẫn dắt chúng ta trên những lối mòn của lịch sử. Ngày này qua ngày khác, Người dạy dỗ chúng ta về cái lôgíc của Tin Mừng, cái lôgíc của tình yêu đón nhận, ‘‘ Bằng cách dạy chúng ta mọi điều’’ và ‘‘bằng cách làm cho chúng ta nhớ lại mọi điều Chúa đã phán với chúng ta’’. Cầu xin Đức Mẹ Maria, mà chúng ta hằng tôn sùng và cầu nguyện với một tấm lòng sốt sắng đặc biệt như mẹ trên trời của chúng ta trong thánh hoa này, gìn giữ Hội Thánh và toàn thể nhân loại. Cầu xin Mẹ, với một đức tin khiêm nhường và can đảm, đã cộng tác đầy đủ với Chúa Thánh Thần cho việc nhập thể của Con Thiên Chúa, phù giúp cho chúng ta cũng được dạy dỗ và dẫn dắt bởi Đấng Bảo Trợ, để chúng ta có thể đón nhận Lời của Thiên Chúa và làm chứng Lời Người trong cuộc sống của chúng ta.
Traduction de Zenit, Anne Kurian
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/regina-coeli-oublier-ses-strategies-et-se-mettre-a-lecoute-de-lesprit-saint/

 

 

« Sự dữ hiện hữu nhưng Chúa Giêsu cứu thoát »
Lời nguyện thứ bẩy và là lời nguyện cuối của « Kinh Lậy Cha » (toàn văn)
MAI 15, 2019 17:00 HÉLÈNE GINABAT - AUDIENCE GÉNÉRALE, PAPE FRANÇOIS

Sự hiện diện của sự dữ là « không chối cãi » được, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhận xét, nhưng người Kitô hữu « biết », bởi vì đã trải nghiệm và vì Chúa Giêsu cứu thoát.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục bài suy ngẫm hàng tuần của ngài về « Kinh Lậy Cha », trong buổi triều kiến chung ngày thứ tư 15/5/2019, trên Quảng Trường Thánh Phêrô, trước đám đông khách hành hương và du khách đến từ khắp nước Ý và trên toàn thế giới và thời tiết xấu đã không làm họ nản chí. Trong bài diễn văn bằng tiếng Ý, ngài đã bình giảng lời nguyện thứ bẩy và là lời nguyện chót của « Kinh Lậy Cha » : « nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ ».
« Bài kinh của Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là gia tài quý giá nhất : sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng đã cứu chúng ta thoát khỏi sự dữ, bằng cách đấu tranh để cải tạo nó », Đức Giáo Hoàng khẳng định. « Chúa ban cho chúng ta bình an, Người ban cho chúng ta sự tha thứ, nhưng chúng ta phải cầu xin : ‘‘xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ’’, để không sa vào sự dữ. Đó là niềm hy vọng của chúng ta, là sức mạnh mà Chúa Giêsu phục sinh, Đấng đang hiện diện ở đây, ở giữa chúng ta, ban cho chúng ta : Người đang ở đây. Người đang ở đây với sức mạnh Người ban cho chúng ta để tiến tới, và Người hứa với chúng ta sẽ cứu chúng ta cho khỏi sự dữ ».
Sau đây là bản dịch Bài Giáo Lý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.
HG
Bài Giáo Lý bằng tiếng Ý
Thân chào Quý Anh Chị Em !
Cuối cùng chúng ta đã tới lời nguyện thứ bẩy của « Kinh Lậy Cha » : « nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ » (Mt 6,13b)
Với câu này, người cầu nguyện không chỉ xin đừng bị bỏ rơi trong cơn cám dỗ, mà còn khẩn cầu cho được cứu khỏi sự dữ. Động từ Hy Lạp nguyên thủy mang ý nghĩa rất mạnh : nó nhắc tới sự hiện diện của ác thần đang muốn vồ lấy chúng ta để cắn xé chúng ta (x. 1Pr 5,8) và chúng ta cầu xin Thiên Chúa cho được giải thoát khỏi nó. Thánh Phêrô tông đồ cũng nói rằng ác thần, ma quỷ, chúng rảo quanh chúng ta như sư tử dữ, gầm thét, để cắn xé chúng ta và chúng ta cầu xin Thiên Chúa giải cứu
Với hai lời nguyện xin gom lại này : « Xin chớ để chúng con » và « xin cứu chúng con », nổi lên một đặc tính căn bản của kinh nguyện Kitô giáo. Chúa Giêsu dạy cho các bạn hữu của Người phải đặt lời cầu khẩn Chúa Cha lên trước hết, kể cả và nhất là trong những lúc mà ác thần thể hiện sự có mặt đầy đe dọa của nó. Quả vậy, kinh cầu Kitô giáo không nhắm mắt trước cuộc đời. Đó là một kinh cầu của con cái, chứ không phải kinh cầu của con nít. Kinh này không tự phụ vì tình từ phụ của Thiên Chúa đến độ quên rằng con đường của người ta đầy rẫy những khó khăn. Nếu không có những lời nguyện chót của « Kinh Lậy Cha », làm sao mà những người tội lỗi, những người bị bách hại, những người thất vọng, những người hấp hối có thể cầu nguyện được ? Lời cầu xin cuối cùng chính sẽ là lời cầu của chúng ta khi chúng ta đã đến mức giới hạn.
Có một sự dữ trong cuộc đời chúng ta, đó là một sự hiện diện không chối cãi được. Các sách lịch sử là danh mục đáng buồn cho thấy cuộc sống trên đời này đã trở thành một cuộc phiêu lưu thường hay thất bại. Có một sự dữ huyền bí, chắc chắn không phải là công trình của Thiên Chúa ; nó xâm nhập, lặng lẽ, trong những nếp gấp của lịch sử. Lặng lẽ như con rắn lặng lẽ mang nọc độc. Đôi khi, nó dường như thắng thế : có nhiều ngày, sự hiện diện của nó dường như còn hiển nhiên hơn cả sự hiện diện của lòng thương xót Thiên Chúa.
Kẻ cầu nguyện không mù quáng, và người đó nhìn thấy rõ ràng bằng đôi mắt mình sự dữ rất rộng lớn và quá là tương phản với ngay cả mầu nhiệm của Thiên Chúa. Người đó cảm nhận thấy nó trong thiên nhiên, trong lịch sử và ngay trong lòng chính mình. Bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng mình được miễn nhiễm sự dữ hay mình ít bị nó cám dỗ. Tất cả chúng ta đều biết sự dữ là gì ; tất cả chúng ta đều biết cám dỗ là gì ; tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm cám dỗ, trong da thịt chúng ta, của bất cứ tội lỗi nào. Nhưng chính kẻ cám dỗ đã khiến chúng ta chuyển động và thúc đẩy chúng ta tới sự dữ, bằng cách nói với chúng ta : « làm cái này đi, nghĩ cái này đi, đi con đường này đi ».
Lời kêu cầu cuối cùng của « Kinh Lậy Cha » được dâng lên chống lại sự dữ này « mênh mông bờ bến », nó đứng dưới ô dù vô cùng kinh nghiệm của nó : những tang tóc của con người, sự đau khổ ngây thơ, sự nô lệ, sự công cụ hóa kẻ khác, những than khóc của trẻ thơ vô tội. Tất cả những biến cố đó phản đối trong lòng con người và trở thành tiếng nói trong lời cuối trong kinh nguyện của Chúa Giêsu.
Chính trong những đoạn kể về cuộc Thương Khó mà nhiều câu của « Kinh Lậy Cha » đã tìm được tiếng vang to lớn nhất. Chúa Giêsu kêu « Abba.. Lậy Cha, Cha làm được mọi sự. Xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn ! » (Mc 14,36). Chúa Giêsu trải nghiệm trọn vẹn mình bị đâm thấu bởi sự dữ. Không chỉ cái chết, mà cái chết trên thập giá. Không chỉ là nỗi cô đơn, mà còn là sự khinh miệt, sự xỉ nhục. Không chỉ là sự hung hăng mà còn là sự độc ác, sự kịch liệt chống Người. Đó là con người : một sinh vật được tạo dựng cho sự sống, hằng mơ ước tình yêu và điều thiện, nhưng đã luôn đưa thân mình ra và thân mình tha nhân ra hứng chịu sự dữ, đến nỗi chúng ta có thể bị cám dỗ thất vọng vì con người.
Quý Anh Chị Em thân mến, như thế, « Kinh Lậy Cha » giống như một bản hợp tấu đòi hỏi được thực hiện trong mỗi người chúng ta. Người Kitô hữu biết rõ quyền lực của sự dữ là bạo ngược, và đồng thời, trải nghiệm rằng Chúa Giêsu, Đấng không bao giờ nhường bước cho những lời nịnh hót của nó, Người luôn ở bên cạnh chúng ta và luôn giúp đỡ chúng ta.
Như thế, kinh nguyện của Chúa Giêsu để lại cho chúng ta là một gia tài quý giá nhất : sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đấng đã cứu chúng ta cho khỏi sự dữ, bằng cách đấu tranh để cải tạo nó. Vào giờ lâm trận cuối cùng, Người ra lệnh cho thánh Phêrô tra gươm vào bao, Người hứa hẹn thiên đàng cho người trộm lành, cho tất cả mọi người chung quanh, không ý thức được thảm kịch đang kết thúc, Người ban một lời bình an : « Lậy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm » (Lc 23,34).
Từ sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá đã tuôn ra sự bình an, sự bình an đích thực đến từ thập giá : đó là ơn phúc của Đấng Phục Sinh, một ơn phúc mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Quý Anh Chị Em hãy nghĩ về lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu phục sinh là « bình an cho anh em », bình an cho linh hồn anh em, cho trái tim anh em, cho cuộc đời anh em. Chúa ban bình an cho chúng ta, Người ban sự tha thứ cho chúng ta nhưng chúng ta phải cầu xin : « xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ », để đừng sa vào sự dữ. Đó là niềm hy vọng của chúng ta, là sức mạnh mà Chúa Giêsu phục sinh đã ban cho chúng ta, Người đang hiện diện ở đây, ở giữa chúng ta : Người đang ở đây. Ngưởi ở đây với sức mạnh mà Người ban cho chúng ta để tiến tới, và Người hứa với chúng ta Người cứu chúng ta cho khỏi sự dữ.
© Traduction de Zenit, Hélène Ginabat
Mai Khôi dịch từ bản tiếng Pháp của Zenit.
https://fr.zenit.org/articles/audience-du-mercredi-le-mal-existe-mais-jesus-en-delivre-traduction-complete/

 

 

 

<< Trang trước: =