CURSILLO VIETNAM AU CHAU

Trở về Trang Chính
dangchua.html

 

Tiếng Hát Tự Con Tim

« …Biết mấy lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày đã gặp Ngài, nhưng chẳng biết Ngài. Ấy những lúc mắt ta không trông không thấy được Ngài, trong những kẻ nghèo đói… ».
Trên đây là tiểu khúc một bài Thánh ca quen thuộc mà các Ca đoàn thường hát vào dịp lễ Phục sinh : bài « Trên đường Em-mau ». Với tôi, bài hát này mang một kỷ niệm khó quên trong cuộc đời …
Ngày ấy, khi kết thúc một thời cắp sách tới trường là tấm bằng tốt nghiệp đại học với bảng điểm tối ưu, tôi vui mừng chờ đón một tương lai tươi sáng...
Tuy nhiên, khi cầm tờ đơn xin việc làm với bản "sơ yếu lý lịch" và tấm bằng tốt nghiệp đại hoc đi khắp nơi khắp chốn, tôi  chỉ nhận được những lời từ chối lịch sự hoặc những cái lắc đầu lạnh nhạt. Có ông giám đốc một hãng nọ nhìn tôi qua cặp kính đeo trễ dưới mũi, ề à nói: " Ở đây chúng tôi chỉ nhận người trông trẻ và lao động khuân vác hàng mà thôi, với bằng cấp của anh thì không có chỗ. À mà cho tôi hỏi, gia đình anh có chú bác, cô dì hoặc người thân làm việc trong chính phủ không ?". Tôi lắc đầu và nói: "Không, bố tôi mất sớm, gia đình tôi làm ăn chân chất, không có ai làm việc trong chính quyền !". Ông giám đốc cười khẩy và lịch sự chào tạm biệt...Đúng là cái thời buổi mà:

Bằng cấp đành cài nơi xó bếp
An lòng, yên phận kiếp cu li...

***

Vào một sáng Chúa nhật, tôi lững thững bước xuống đường đi đến Nhà thờ (như một thói quen của mỗi sáng Chúa  nhật) với những bước chân vô định như kẻ mộng du. Đường phố đông đúc người qua lại, tiếng chim hót líu lo trên tán lá, hàng cây xel lẫn tiếng cười đùa của bày em nhỏ đang vui chơi trong vườn với muôn hoa khoe sắc thắm. Những cảnh sắc ấy với tôi giờ đây chỉ là vô nghĩa bởi vì người ta thường nói : Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ…ngẫm ra đúng thật ! Tôi lầm lũi bước đi với chỉ một suy nghĩ trong đầu: « Ngày mai, cuộc đời mình sẽ ra sao ? Chúa ơi, con đã van xin Chúa ngàn lần mà sao Ngài không lên tiếng… ».

Đến ngã tư đầu phố, tôi bỗng gặp một người đàn ông ăn mày tàng tật, hai chân cụt đến đầu gối, ngồi trên một miếng gỗ dầy được cột lại bằng một sợi dây da cũ mèm, bẩn thỉu. Khuôn mặt ông mệt mỏi, đau đớn duy nhất có đôi mắt long lanh, rực sáng, bao dung như ngọn lửa sưởi ấm lòng người…. Nhìn khuôn và ánh mắt của ông, tôi bỗng thấy nao nao trong dạ. Trong lòng tôi bỗng rộn lên một nỗi niềm xót thương vô hạn và tự thấy hổ thẹn cho mình: một con người lành lặn, khoẻ mạnh cường tráng mà cứ phải lụy phiền về những khó khăn nhỏ nhặt, nhất thời. Qua ánh mắt và khuôn mặt ông, tôi cứ bâng khuâng suy nghĩ là khuôn mặt này, ánh mất này sao vô cùng quen thuộc, thân thương. Tôi nghĩ hoài không ra và tay tôi lần trong túi áo, lấy toàn bộ số tiền còn lại, biếu ông ta…

Người ăn mày cảm ơn và tỏ ý muốn nhờ tôi dẫn ông qua bên kia lề đường. Phố xá lúc đó xe cộ qua lại như mắc cửi. Không nề hà bẩn thỉu, hôi hám, khi đèn xanh vừa bật sáng, tôi cố bế xốc ông ta lên và đưa qua bên kia đường…Nhìn đồng hồ thấy đã trễ giờ lễ nên tôi nói lời cáo biệt và vội vàng rảo bước tới Nhà Thờ.
Ngôi Thánh đường quen thuộc chật ních giáo dân. Trong không khí trang nghiêm của Thánh lễ và vì đến trễ, không tiện trở về chỗ của mình ở Ca đoàn nên tôi tìm một ghế qùy ở phía bên trái, gần cuối Nhà thờ…Tôi qùy xuống, đọc kinh và cảm tạ Thiên Chúa đã ban xuống cho tôi sức khoẻ dồi dào và muôn vàn Hồng ân trong cuộc sống. Bất giác, tôi ngẩng nhìn lên tượng Chúa Giê su bị đóng đanh trên cây Thánh Giá thì…lậy Chúa , nước mắt tôi bỗng tuôn trào, rơi lã chã …

Lậy Chúa nhân từ ! Chúa  đã cho con được gặp Ngài mà con không hề biết : Khuôn mặt Chúa Giêsu trên Thập Hình chính là khuôn mặt người ăn mày què cụt, lở loét mà tôi đã gặp trên đường đi đến Nhà thờ; Ánh mắt Chúa bao dung, hiền từ ấm áp như sưởi ấm trái tim tôi. Trong lòng tôi bỗng dâng lên một niềm tin mãnh liệt, sự hối hận ăn năn cứ day dứt làm cho hai hàng nước mắt cứ tuôn trào, rơi lã chã…
Và , tôi đã cầu nguyện, cầu nguyện rất lâu vì tôi biết rằng Chúa rất thương tôi, Chúa ở rất gần tôi và Ngài luôn đồng hành với tôi. Tôi chỉ là kẻ bất tài, vô dụng với bao tội lỗi xấu xa ; Tôi đã làm được gì cho Ngài mà Ngài lại quá thương yêu tôi như vậy ? Phải chăng, Chúa nhân từ, bao dung đã thứ tha hết thảy lỗi lầm cho những ai biết ăn năn hối cải, đến quì lạy dưới chân Ngài ?
Lời cầu nguyện như lời tâm sự của người con tâm sự với người cha nhân từ. Lời cầu nguyện đã nâng tâm hồn tôi lên, vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống, những nhỏ nhen, vụn vặt đời thường. Lời cầu nguyện trong lòng tôi, khoảnh khắc đã biến thành tiếng hát, vút cao ngợi ca Thiên Chúa, ngợi ca Đức Maria Đức Mẹ Chúa Trời…
« Trên đường Em-mau, hai người lữ khách bước đi bên nhau. Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài. Này Ngài tiến đến, về Em-mau tiến bước theo ngay bên. Họ không trông ai, người lữ khách đó chính là Ngài…… ».
Tôi đang mải mê cầu nguyện bỗng tiếng hát từ phía ca đoàn cao vút bay lên. Tiếng hát ngân nga, lắng đọng trong con tim của mỗi người. Tôi như bừng tỉnh giấc và cất tiếng ca chung cùng toàn thể Cộng đoàn. Tiếng hát được phát xuất từ con tim non yếu đã bao lần bị vùi dập trong sóng gió cuộc đời…
Năm tháng trôi đi, cuộc đời bao đổi thay chìm nổi nhưng tiếng hát và lời nguyện cầu của tôi vẫn luôn luôn vĩnh viễn trên môi :

Xin được làm tiếng hát,
Nhẹ như làn trầm hương
Để ngợi ca Thiên Chúa
Đến muôn thuở, muôn đời.
Xin được làm ngọn lửa
Sưởi ấm bao con tim
Cô đơn và sầu khổ
Ấm áp trong tình người…

Đức Nguyên.
Mùa PHỤC SINH 2024

dangchua.html

Tản Mạn Về Tuổi Thơ

Hồi còn nhỏ, tôi và các anh chị em trong gia đình cùng gia nhân trong nhà rất thích nghe ông ngoại tôi kể chuyện…
Ông ngoại tôi là một người vui tính, độ lương và giầu lòng thương người. Vì vậy nên từ bạn bè của ông tôi, họ hàng con cháu, hàng xóm láng giềng cho đến người ăn kẻ ở trong nhà đều kính trọng và yêu mến…
Cụ có tài kể chuyện đời xưa như Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Chinh Đông- Chinh Tây v.v…và nhất là những chuyện cười dân gian do ông tôi nghe được, kể lại hoặc ông tôi tự "sáng tác" ra để chế nhạo những thói kiêu căng, ngạo mạn của "kẻ sĩ" ; Thói hợm hĩnh, rởm đời của những kẻ "trưởng giả học làm sang"… Với cách diễn đạt dí dỏm, trào lộng, đầy tính nhân văn, qua cách thể hiện của ông tôi đã làm cho những người nghe (từ già chí trẻ) cười ngặt ngẽo, cười bò ra và đôi khi…cười ra nước mắt ! Những chuyện cười của ông tôi không tục tĩu bậy bạ như chuyện tiếu lâm; không diễu cợt những sự ngớ ngẩn của người đời như những trang "lá cải", không "cười trên sự đau khổ của người khác" như câu chuyện của những kẻ tiểu nhân mà nó có cái gì thâm thúy, sâu lắng, làm người nghe đôi khi cảm thấy như "có chính mình" trong đó ; để nghiền ngẫm và để …tự sửa mình. Có những chuyện, người nghe "cứ tưởng" là chuyện cười nhưng thật sự lại là một bài học thật thấm thía…
Có một chuyện ông tôi kể, cho đến nay tính đã ngót nghét gần bảy  chục năm trôi qua mà tôi còn nhớ mãi…
Lần đó, sau bữa cơm chiều khi đông đủ mọi người trong gia đình, như lệ thường ông tôi kể chuyện vui cho mọi người nghe :
« Chuyện rằng, có một ông sư vô cùng đạo hạnh, một lần khi đi qua một cánh đồng bỗng nghe tiếng kêu cứu của một cô gái trẻ. Tới gần thì thấy cô gái bẽn lẽn ôm chặt cái váy đang mặc vì xấu hổ (mắc cỡ) nhưng miệng vẫn kêu la thảm thiết vì đau. Cô nói :
– "Xin sư cụ cứu con . Con đang làm ruộng nhưng khi con ngồi xuống thì bị một con cua càng lớn cắp vào …bẹn con. Con đã làm đủ mọi cách nhưng nó không chịu nhả…" và càng kêu la thảm thiết hơn.(Cũng cần phải nói là phụ nữ ngày xưa mặc váy là chỉ có váy không, không có quần trong hoặc slip như bây giờ…).
Ông sư là người chân tu, rất nhân từ, muốn cứu người bị nạn nhưng lại sợ phạm vào pháp giới nhà Phật: Mắt không được nhìn "bậy", tay không được "đụng chạm" vào cơ thể phụ nữ nên chỉ còn một cách duy nhất là nhắm mắt lại, cúi xuống dùng mồm cắn vào con cua dứt ra, mong cứu thoát người bị nạn. Trớ trêu thay, con cua đã nhanh chóng dùng cái càng còn lại cắp luôn vào môi ông sư, không nhả ra. Thế là cả ông sư và cô gái vừa đau đớn vừa hoảng hốt vì đã rơi vào hoàn cảnh khó sử…". Trẻ con trong làng trông thấy cùng đồng thanh hét to: "Bà con ơi, ra mà xem sự lạ: cô gái trẻ  đẻ ra sư ông..."
Nghe tới đây, mấy người làm trong nhà cười ré lên, khoái trá với hình ảnh ông sư và cô gái lúng túng trong một tư thế vô cùng khó nói…
Thấy vậy, ông tôi trừng mắt nghiêm khắc bảo họ :
– Chuyện có gì đáng cười ? Các người thật vô duyên ! Để cứu một mạng người, Nhà sư đã vượt lên trên những điều dị nghị của đời thường, vượt lên trên những khuôn phép nghiêm ngặt của pháp giới, không tính toán đến những nguy hiểm có thể dẫn tới cho bản thân mình. Ông đã khấn nguyện và tin rằng việc mình làm có Phật Tổ chứng giám. Ông cũng tin rằng cái tâm trong con người mình thật là trong sạch, vậy đáng kể gì những dị nghị của trần gian ??? Chuyện kể rằng sau này ông đã tu thành chính quả, thành Phật và được vào hưởng cõi Niết Bàn. Thử hỏi trong thế gian này, có mấy người làm được như nhà sư đó ? Người ta chỉ lo đến chức vị và được mọi người kính nể (dù chỉ ngoài mặt !). Lòng thương người chỉ thể hiện qua đầu môi, chót lưỡi, còn lại thì  "sống chết mặc bay…".
Ví như ông Nghị viên ở dãy phố trước mặt kia kìa, nổi tiếng là một học giả uyên bác, có bằng Cử nhân Luật đi học ở Pháp